
Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh
Chăm sóc trẻ đặc biệt là trẻ sơ sinh là một trong những điều lo lắng của các bà mẹ bởi cần phải có kiến thức và kỹ năng. Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh là vị bác sĩ cung cấp rất nhiều kiến thức chăm sóc trẻ và xử lý tình huống. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây ngay nhé!
Giới thiệu
Tốt nghiệp Bác sỹ đa khoa – Đại học Y dược Tp. HCM vào năm 2015, Đào Nguyễn Phương Linh tiếp tục hành trình mang tên Thạc sĩ Nhi Khoa khi nhận ra mình có “đam mê với em bé”. Với bác sỹ Linh, trẻ nhỏ không phải chỉ là người bệnh hay đối tượng để điều trị, nghiên cứu mà còn phải được chăm sóc về mặt tinh thần.
Để làm được điều đó, bác sỹ phải biết cách tương tác với mẹ – người trực tiếp chăm sóc hỗ trợ, lớn lên cùng con bác sỹ Linh cho rằng trao truyền kiến thức đúng cho mẹ là cách làm văn minh nhất để tạo nên một xã hội không còn áp lực về chuyện nuôi con. Giải phóng được áp lực đó sẽ có những bà mẹ thôi dằn vặt về chuyện mình ít sữa, tại sao con mình lại “khó nuôi hơn con nhà người ta”, sẽ có những gia đình không còn lục đục cãi vã nhau chỉ vì cân nặng của trẻ.
Chứng chỉ học vị
-
Hồi sức cấp cứu trẻ em – Bệnh viện Nhi Đồng 1
-
Hồi sức sơ sinh, chuyển viện an toàn NRP – Bệnh viện Từ Dũ
-
Xử trí các vấn đề sơ sinh cơ bản – Bệnh viện Nhi Đồng 1
-
Xử trí các bệnh lý tại phòng khám – Bệnh viện Nhi Đồng 1
-
Chứng chỉ tiêm chủng an toàn – Viện Pasteur
-
Chuyên viên quốc tế hướng dẫn Ba Mẹ massage cho trẻ – Hiệp hội massage Sơ sinh và Nhũ nhi quốc tế
-
Dinh dưỡng trẻ em – Đại học Boston Hoa Kỳ
Hành trình bén duyên với nghề
Từ “lò” văn của trường phổ thông năng khiếu, Đào Nguyễn Phương Linh trở thành tân sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Nhưng chỉ một năm sau đó, Linh quyết định thi lại vào Đại học Y Dược TP.HCM vì: “Tôi chọn học y để được hành động, để được làm bác sĩ, để được tích góp nguyên liệu thực tế từ cuộc sống”.
Từ khối C chuyển sang khối B là quá trình không hề đơn giản. Những tháng ngày vùi đầu gấp rút học các môn tự nhiên cho kịp ngày thi khiến cô bé chuyên văn căng thẳng: “Vừa học tôi vừa khóc. Nhưng có cái gì thúc đẩy không ngừng từ bên trong. Vẫn là tôi đấy, vẫn là cái cây biếc xanh trong khu vườn văn chương, nhưng khu vườn ấy đã bị khóa cổng. Tôi phải tìm kiếm những khu vườn tiếp theo để gieo hạt. Và tôi đã chọn trở thành bác sĩ để vẽ tiếp những gì còn dang dở”.
Kết nối trẻ với cuộc sống
Năm thứ tư ở Đại học Y Dược, Phương Linh có chuyến thực tập về huyết học. Chứng kiến những bệnh nhi chịu đau đớn mỗi lần lấy tủy, thấy các bé ấm ức, khổ sở, giận dỗi, Linh nghĩ cô phải làm “một điều gì đó”.
Linh nhìn thấy con người yếu đuối trong mình cũng giống những đứa trẻ nằm cong queo trên bàn thủ thuật kia. Linh muốn được ôm ấp chúng, giải thích cho chúng hiểu vì sao chúng phải bị chọc những cây kim to đùng vào người. Rồi Linh muốn các con chấp nhận chuyện bị rọc da chạy thận, bị truyền hóa chất không phải bằng tư thế bị động mà là sự hiểu biết, thấu tỏ.
Linh khai sinh câu lạc bộ tình nguyện Bé khỏe bé ngoan tại Đại học Y Dược TP.HCM với mục đích giáo dục sức khỏe cho bệnh nhi, giải thích cho các con về bệnh tình của mình. Linh tin rằng “hiểu” là bước đầu tiên của quá trình trị bệnh – mình phải hiểu chính mình và nỗi đau mà mình đang mang thì mới nói đến chuyện chữa trị.
Từ những trải nghiệm thực tế ở câu lạc bộ Bé khỏe bé ngoan, Linh nhận ra rằng cô rất… mê em bé. Điều này càng được bồi đắp thêm khi Linh đi thực tập tại khoa sơ sinh, được tự tay khám cho những đứa trẻ sơ sinh. Và đây cũng là thời điểm Phương Linh gặp người thầy của đời mình, tiến sĩ – bác sĩ Phạm Diệp Thùy Dương.
Thời điểm gặp cô Dương, Linh không biết rằng từ đó khu vườn văn chương Linh từng bỏ dở biếc xanh trở lại.
“Cô Dương có cái ống nghe nhỏ xíu, lại dỗ dành em bé rất dễ dàng. Tôi mê cái cách cô chăm các bé và dần nhận ra mình mê trẻ sơ sinh. Tôi nhìn cô Dương và thấy mình của sau này.
Tôi nhìn thấy bản ngã văn chương của tôi trong cách cô truyền kiến thức và tôi nhìn thấy những băn khoăn của mình trong chính những trăn trở nghề của cô. Vậy là tôi miệt mài theo cô để học, học nghề và học cách yêu thương con trẻ.
Ngày nào tôi cũng phải chứng kiến lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Ấy là những đêm triền miên với những ca sinh non, có bé chỉ nặng 800g. Các con vừa ra đời đã phải rời xa vòng tay mẹ. Nếu may mắn thì ngoài cánh cửa phòng chăm sóc có cha mẹ của bé đợi, nhưng rất nhiều trường hợp chỉ có tiếng máy thở đều đều bên những khuôn ngực phập phồng.